Loading

Friends

10 phút đầu tiên để "ghi bàn"...


Bạn hẳn đã từng nghe nói rằng ấn tượng ban đầu có thể lưu lại dấu ấn sâu sắc trong lòng người đối diện. Vì vậy khi bạn được gọi phỏng vấn, bạn nên chuẩn bị làm sao để tạo ấn tượng tốt đẹp với nhà tuyển dụng ngay từ giây phút đầu tiên ấy. Hãy biến 10 phút đầu tiên của buổi phỏng vấn thành “Cái thuở ban đầu lưu luyến ấy, ngàn năm hồ dễ mấy ai quên” bạn nhé!


Kết quả của một khảo sát mới đây được thực hiện với 150 chuyên gia tuyển dụng cấp cao cho thấy, nhà tuyển dụng có thể xác định được ứng viên tiềm năng chỉ sau cái bắt tay và ít phút nói chuyện. Câu hỏi được đặt ra cho những người tham gia khảo sát là “Trong buổi phỏng vấn đầu tiên, ông/bà mất bao lâu để xác định được ứng viên tiềm năng?”; và đa số đều trả lời là 10 phút. Mặc dù trên thực tế họ cần 55 phút để phỏng vấn một ứng viên ứng tuyển vào vị trí nhân viên, và 86 phút để phỏng vấn ứng viên nộp đơn vào vị trí quản lý.

Click the image to open in full size.

Sau cuộc khảo sát, những người thực hiện đúc kết như sau “Buổi phỏng vấn bắt đầu ngay từ lúc ứng viên mới đến nơi phỏng vấn. Vì vậy, các ứng viên cần lên kế hoạch trước để thể hiện sự nhiệt tình và tự tin của mình đến nhà tuyển dụng ngay từ lúc ban đầu. Những giây phút đầu tiên của buổi phỏng vấn sẽ là nhân tố quyết định cho thời gian còn lại của cuộc phỏng vấn. Hãy làm cho giây phút này trở nên thật đặc biệt, đó cũng là cách giúp bạn “lên giây cót” cho toàn bộ quá trình phỏng vấn, đặc biệt là để trả lời tốt những câu hỏi tiếp theo từ nhà tuyển dụng.”
“Vậy trước khi đi dự phỏng vấn, tôi nên làm gì để ghi dấu ấn thật đậm trong lòng nhà tuyển dụng?” Bình tĩnh bạn nhé! Những bí quyết sau có thể giúp bạn đạt được sự quý mến từ nhà tuyển dụng trong 10 phút đầu tiên:

Nắm vững 4 câu hỏi quan trọng nhất
Bạn hãy lắng nghe thật kỹ bốn câu hỏi quan trọng nhất mà nhà tuyển dụng muốn nghe câu trả lời từ phía ứng viên:
1. “Tại sao bạn ở đây?” --> câu hỏi này còn có nghĩa là “Bạn biết gì về công ty chúng tôi?” hoặc “Tại sao bạn đến đây hôm nay?”
2. “Bạn có thể làm gì cho công ty chúng tôi?” --> câu hỏi này có thể hiểu là “Hãy cho tôi biết về bạn.” hay “Tại sao bạn đổi việc?” hoặc “Thành tựu quan trọng nhất mà bạn đã đạt được tính đến nay là gì?”
3. “Bạn dễ dàng thích nghi với sự thay đổi chứ?” --> câu hỏi này cũng có nghĩa là “Bạn có thể hòa nhập với văn hóa công ty chúng tôi nhanh chóng không?”
4. “Đâu là điểm khác biệt giữa bạn và những ứng viên khác ?” --> câu hỏi này còn ngầm ý là “Tại sao chúng tôi nên tuyển bạn?”
Hãy trả lời 4 câu hỏi trên bằng chính những câu chuyện và trải nghiệm thật của bạn. Trong đó, bạn nên thêm vào những câu chuyện ngắn mô tả những thời điểm đặc biệt trong quá khứ của bạn như: bạn đã vượt qua giai đoạn khủng hoảng nhất của đời mình như thế nào, bạn lãnh đạo đội nhóm của mình ra sao, bạn đã giải quyết công việc mà hạn chót đã cận kề hoặc vực dậy một dự án đã thất bại như thế nào...

Hiểu rõ về công ty bạn ứng tuyển
Hãy luôn nghiên cứu về công ty bạn ứng tuyển trước khi bạn đi dự phỏng vấn. Nên biết rõ nhà tuyển dụng là ai, những thử thách mà họ đang đối mặt và tình hình hiện tại của họ...
Có thể bạn đang thắc mắc tại sao phải làm như vậy? Bởi vì những phút đầu tiên là thời điểm thuận lợi để chứng tỏ bạn hiểu về nhà tuyển dụng của mình như thế nào.
Bạn còn nhớ một trong bốn câu hỏi quan trọng đã đề cập ở trên không, “Tại sao bạn ở đây?” Đây là lúc bạn “phô bày” những kiến thức và thông tin bạn đã nghiên cứu về công ty. Hãy cho họ biết bạn đã nghiên cứu kỹ về họ như thế nào, không những bạn biết khối điều về công ty, mà bạn còn có thể nêu ra vài lý do tại sao bạn rất muốn làm việc cho họ. Hãy để sự nhiệt tình này thể hiện qua thái độ và lời nói của bạn một cách tự nhiên như bạn đang đi qua cánh cửa vào nhà mình vậy.
Hiểu đúng vai trò của mình
Ấn tượng ban đầu rất có giá trị, đặc biệt là trong phỏng vấn việc làm. Bạn chính thức “bước lên sân khấu” ngay từ lúc bạn bước vào căn phòng phỏng vấn. Vì vậy, hãy hoàn thành xuất sắc vai diễn của mình bằng việc đầu tiên là thể hiện rõ nét tính cách của mình đến “khán giả”. Hãy nhớ, vai trò lúc này của bạn là người giải quyết vấn đề, tức là trả lời những câu hỏi của nhà tyển dụng; chứ không phải là người tìm việc.
Trong vai trò là một người giải quyết vấn đề, bạn phải biết tại sao hôm nay bạn đến đây, tại sao bạn thích làm việc cho công ty, và bạn có thể làm gì để công ty phát triển vững mạnh trong tương lai.
Với ba bí quyết này bạn hầu như có thể vượt qua những câu hỏi “mở màn” của nhà tuyển dụng và ghi điểm cho mình. Việc này cũng có nghĩa là bạn đã chứng minh được bạn là người hiểu biết và thật sự quan tâm đến vị trí họ đang đăng tuyển.

Lễ nghĩa chốn công sở

- Tuy rằng trong công việc mọi người đều bình đẳng nhưng vẫn có những nguyên tắc bạn nên tuân thủ.

Xưng hô tuỳ tiện

Có rất nhiều ông chủ vì muốn tạo cảm giác thân thiện với nhân viên nên thường chọn cách xưng hô thân mật thậm chí dùng biệt danh. Tuy nhiên đây chỉ là cách xưng hô “trong nhà” còn khi có người ngoài bạn đừng nên tuỳ tiện sử dụng.

Trả lời trống không

Khi sếp hỏi không nên trả lời trống không dạng như “Tuỳ”, “Không biết”, “Hình như thế”… Dù sếp của bạn có thoải mái cỡ nào bạn cũng vẫn cần giữ thái độ tôn trọng và phép lịch sự nhất định.

Ngồi khi sếp đang đứng

Khi sếp đang đứng hỏi bạn một số vấn đề, bạn không nên ngồi chiễm trệ trả lời. Phép lịch sự tối thiểu là khi sếp đến gần bạn nên đứng lên chào sếp.

Điện thoại thường xuyên không liên lạc được

Bạn thường quên mang điện thoại hay điện thoại của bạn thường xuyên trong tình trạng tắt máy hoặc không nhận cuộc gọi. Sau mỗi lần như vậy bạn chỉ để lại cho sếp sự bực dọc và ấn tượng bạn là người thiếu trách nhiệm với công việc.

Đổ lỗi

Sai thì phải nhận lỗi, nhận lỗi chi bằng sửa lỗi. Một nhân viên không có đủ dũng khí gánh vác trách nhiệm mà chỉ biết đổ tại cái này cái kia sẽ không bao giờ nhận được sự tôn trọng của sếp và đồng nghiệp.

Lạm dụng câu hỏi “Tại sao?”

Ham học hỏi là một điều đáng hoan nghênh nhưng bạn cần cân nhắc hoàn cảnh sao cho phù hợp. Khi sếp nói bạn nên có thái độ tiếp thu sau đó nếu thật sự thấy có gì không hiểu thì hãy hỏi lại sếp. Nếu hỏi quá nhiều có thể khiến sếp nghĩ bạn không có kĩ năng phân tích hay bạn đang nghi ngờ quyết định của sếp.

Sếp hỏi A bạn trả lời B

Bạn nên nghe rõ câu hỏi và tìm phương án trả lời sao cho thích hợp, tránh tình trạng “ông nói gà bà nói vịt” gây hiểu lầm rằng bạn đang không tập trung và thiếu tôn trọng người đối diện.

Tọc mạch chuyện đời tư

Tạo dựng mối quan hệ bạn bè với sếp hay đồng nghiệp cũng là một chuyện nên làm, song đừng nên quá tò mò chuyện riêng của họ. Bạn cũng đừng hồn nhiên nghĩ rằng bạn chia sẻ hết những chuyện riêng của mình thì mọi người sẽ tin tưởng và tâm sự mọi chuyện cùng bạn.

Nói xấu đồng nghiệp

Nói chuyện tào lao trong giờ làm việc đã là chuyện không nên huống hồ lại là nói xấu đồng nghiệp. Một khi mọi chuyện vỡ lở thì hậu quả sẽ là khôn lường.

“Cướp” lời sếp

Bạn cùng sếp đi gặp đối tác nhưng đôi khi vì nhiệt tình mà bạn đã làm thay cả phần việc của sếp. Hãy nhớ cho dù vì bất kỳ lý do gì thì cướp lời sếp cũng là một lỗi không được phép mắc phải.

Không hồi âm thư điện tử

Cho dù là thư của sếp hay đồng nghệp bạn cũng nên kịp thời phúc đáp. Nếu bức thư không yêu cầu trả lời bạn vẫn cần gửi một bức thư có nội dung đơn giản để thông báo bạn đã đọc thư của họ.

Ăn mặc cẩu thả

Khi đi làm bạn không cần trang điểm quá cầu kỳ hay mặc những bộ đồ hàng hiệu đắt tiền nhưng ít nhất bạn cũng phải ăn mặc gọn gàng, lịch sự. Nếu bạn thấy quần áo của mình không cần thiết ngày nào cũng phải giặt thì nên thay đổi, kết hợp sao cho hợp lý tránh tình trạng mặc một bộ đồ trong vài ngày.

Một mình ngồi ghế sau khi đi xe cùng sếp hay đồng nghiệp

Nếu bạn đi xe cùng sếp hay đồng nghiệp mà một mình bạn ngồi ghế sau sẽ dễ gây hiểu lầm bạn là nhân vật chính ở trên xe. Do vậy vị trí an toàn cho bạn chính là bạn nên ngồi ở ghế trước, bên cạnh lái xe.

Twitter Delicious Facebook Digg Stumbleupon Favorites More